Thứ Hai, 30 tháng 6, 2014

Trung Quốc đã để cho các giàn khoan cất lên tiếng nói (The Diplomat 29/6/2014)



Trung Quốc đã để cho các giàn khoan cất lên tiếng nói

Cuộc họp với ASEAN đã đạt được rất ít tiến bộ trong việc giải quyết tranh chấp hàng hải Biển Đông.

Tác giả Luke Hunt 
Người dịch: Hải Minh
29 tháng 6 năm 2014 


Cuộc họp diễn ra mà chẳng đạt được một kết quả nào. Cuộc họp kéo dài hai ngày tại Bali trong tuần này được cho là để cải thiện quan hệ giữa Trung Quốc và 10 nước thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Nó được tán dương rộng rãi trên báo chí thân Trung Quốc, nhưng rốt cuộc thậm chí các tay bút nịnh hót của Bắc Kinh cũng chẳng có gì nhiều để viết

Các quan chức cấp cao đã có cuộc họp tại một hòn đảo của Indonesia trong khuôn khổ một nhóm làm việc chung nhằm tìm giải pháp cho vấn đề tranh chấp hàng hải biển Nam Trung Hoa - được gọi là Biển Đông ở Việt Nam và Biển Tây Philippines ở Manila. 

Nhưng lập trường của Bắc Kinh trước cuộc họp đã làm cho cuộc gặp nhau lần thứ 11 giữa ASEAN Trung Quốc tỏ ra chẳng có ích lợi gì, một cuộc họp vốn nhằm xâm nhập sâu hơn vào các Quy tắc ứng xử (CoC) được tán tụng rất nhiều, lần đầu tiên xác lập vào năm 2002, và Tuyên bố về ứng xử của các bên (DoC) trong vùng biển Nam Trung Hoa. 

"Trung Quốc đã tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc của DoC và đã rất kiềm chế khi phải đối mặt với hành động khiêu khích từ các nước khác như Philippines và Việt Nam", Zhang Junshe, phó chủ tịch Viện Nghiên cứu Hải quân, cho biết như vậy trước cuộc họp

"Chúng tôi hy vọng hai quốc gia này sẽ dừng các hành động khiêu khích chống lại Trung Quốc."
Đường hướng ‘chiếm lấy hay vuột mất’ của Trung Quốc với tham vọng về lãnh thổ đã trở nên cứng rắn kể từ khi họ thể hiện trước Liên Hợp Quốc một yêu sách cách đây năm năm về đường chín đoạn, thể hiện sự phớt lờ luật biển quốc tế, các công ước hiện đại, và các công nhận về đường biên giới chủ quyền. 

Đó là một chính sách, nhai đi nhai lại bởi các đồ đệ của Đảng Cộng sản TQ, không có chỗ cho các cuộc đàm phán trong khi lại thách thức quyền của các quốc gia tiếp cận tự do trên vùng đặc quyền kinh tế của họ, được mô tả là rộng 200 hải lý ngoài khơi tính từ bờ biển. 

Việt Nam và Philippines đã phải đối diện với cuộc tranh chấp, với những tuyên bố lâu nay của họ trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Các tuyên bố của Trung Quốc cũng xâm phạm vào các vùng lãnh thổ vốn được công nhận rộng rãi là thuộc về Malaysia, Brunei và Indonesia. 

Thái độ như vậy đã một lần nữa đặt quân đội Việt Nam và Trung Quốc vào tình thế đề cao cảnh giác sau khi Bắc Kinh cho biết sẽ triển khai thêm bốn giàn khoan dầu trong vùng biển Nam Trung Quốc ngoài khơi các tỉnh Hải Nam và Quảng Đông, điều mà phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao, Hua Chunying, mô tả như "các hoạt động bình thường." 

Điều này lại diễn ra khi khu vực vẫn còn trong tình trạng dầu soi lửa bỏng sau khi hai nước đã đụng độ trên biển vào cuối tháng Năm với việc triển khai một giàn khoan vào quần đảo Hoàng Sa. Một cuộc bạo loạn xảy ra sau đó, và cuộc đàm phán giữa ủy viên hội đồng nhà nước Trung Quốc Dương Khiết Trì và Phan Bình Minh, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam, đã kết thúc tại Hà Nội vào ngày 19, thất bại vì chẳng làm giảm bớt căng thẳng. 

Năm ngày sau Việt Nam tuyên bố bảy tàu Trung Quốc đã đâm một trong những tàu thuyền của mình, làm hư hỏng nặng thân tàu; tuyên bố này bị Bắc Kinh bác bỏ, Hua cáo buộc Việt Nam đã vi phạm hành lang an ninh. 

Nếu các giàn khoan tiến thêm xa hơn về phía nam đến quần đảo Hoàng Sa và một lần nữa lại hướng tới vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, thì căng thẳng dẫn đến chiến tranh hoàn toàn có thể xảy ra.
Với cách hành xử giống như một đế quốc thực dân của thế kỷ thứ 16 chứ không phải là một quốc gia đường hoàng ngang hàng với Hoa Kỳ, Bắc Kinh đã tuyên bố chủ quyền trên 90 phần trăm đối với các vùng biển tiếp giáp giữa Trung Quốc, các quốc gia trong đất liền của Đông Nam Á, và các quốc gia thuộc phần còn lại của ASEAN, nơi có khoảng một nửa tổng lượng lưu thông thương mại của thế giới đi qua. 

Tuyên bố của TQ là không có chỗ cho thương lượng, dù với bất kỳ ý niệm nào của Quy tắc CoC, hoặc của Tuyên bố DoC còn khá non trẻ; và hầu như không đáng phải tốn vé máy bay cho các đoàn đại biểu đi đến Bali. Có lẽ đã đến lúc phải loại bỏ hết mọi đàm phán, chí ít là cho đến khi Trung Quốc theo đuổi một cách tiếp cận thực tế hơn, phù hợp hơn với tư cách một cường quốc thế giới đúng nghĩa của thế kỷ 21. 

Có thể liên lạc tác giả Luke Hunt qua Twitter, với địa chỉ @ lukeanthonyhunt

Hải Minh dịch, 30/6/2014

Thứ Tư, 25 tháng 6, 2014

Trung Quốc, Việt Nam và Hoàng Sa: Đã đến lúc có lối thoát? (RSIS 24/6/2014)

Trung Quốc, Việt Nam và Hoàng Sa: Đã đến lúc có lối thoát?
 
Tác giả: Li Jianwei (Trung Quốc)
Người dịch: Đoan Trang

24-6-2014
Lời người dịch: Có lẽ rất ít người Việt Nam biết đến chi tiết sau đây, liên quan đến Công hàm Phạm Văn Đồng, mà học giả người Trung Quốc Li Jianwei (Lý Kiến Vĩ) công bố trong bài viết mới đây cho RSIS (Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, trực thuộc ĐH Công nghệ Nanyang, Singapore). Đó là, vào năm 1977, trong một cuộc gặp với chủ tịch Trung Quốc (khi đó là phó thủ tướng) Lý Tiên Niệm, ông Phạm Văn Đồng đã nói: “Trong cuộc kháng chiến, tất nhiên chúng tôi phải đặt việc chiến đấu chống đế quốc Mỹ lên trên tất cả mọi thứ khác”.
Chi tiết đó giờ đây đã được Li Jianwei mang ra sử dụng trong bài viết của bà, khẳng định Hoàng Sa thuộc về Trung Quốc (!). Đây là một lập luận rất nguy hiểm cho việc bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam.

------------
Tóm tắt
Vụ đôi co kéo dài giữa Trung Quốc và Việt Nam xoay quanh giàn khoan dầu HYSY 981 gây thiệt hại cho mối quan hệ giữa hai nước. Cần có sự khôn khéo về ngoại giao, sao cho cả hai nước đều có thể điều chỉnh cách làm của họ để đưa tình hình về trạng thái kiểm soát được.

Bình luận
Bất đồng giữa Trung Quốc và Việt Nam về giàn khoan dầu HYSY 981 kéo dài tới nay đã được hơn 40 ngày. Đã đến lúc cả hai bên – vốn kiểm soát thành công những xung đột, mâu thuẫn nhạy cảm trong quá khứ – phải nghiêm túc xem lại những thủ đoạn mà họ sử dụng sau sự cố 981.

Suy cho cùng, tranh chấp hiện nay là có hại cho quan hệ song phương, và đó là điều mà chính phủ cả hai nước đều không muốn. Những căng thẳng phát sinh từ tranh chấp cũng đang gây bất ổn cho khu vực Đông Nam Á.
Lập trường của Trung Quốc
Ngày 8/6/2014, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra một tuyên bố, cùng với 5 tài liệu đi kèm, để làm rõ lập trường của họ với cộng đồng quốc tế về một số vấn đề liên quan đến hoạt động của giàn khoan dầu HYSY 981.
Vào tháng 5/2014, giàn khoan dầu HYSY 981 của một công ty Trung Quốc đã tiến hành khoan thăm dò trong vùng biển tiếp giáp với quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa). Giai đoạn 1 bắt đầu vào ngày 2/5 và giai đoạn 2 vào ngày 27/5. Hai địa điểm hoạt động nằm ở vị trí 17 hải lý tính từ đảo Trung Kiến (Zhongjian, tên quốc tế là Triton, tức đảo Tri Tôn – ND) thuộc quần đảo Tây Sa (tức Hoàng Sa – ND) và tính từ đường cơ sở của lãnh hải của quần đảo Tây Sa (xem Chú thích), trong khi đó, cách bờ biển đất liền Việt Nam tới xấp xỉ 133-156 hải lý (tức là 239-280 km – ND).

Hoạt động của giàn khoan là sự tiếp tục quá trình thăm dò khai thác thường lệ của công ty Trung Quốc và diễn ra hoàn toàn trong vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc.

Nói về chủ quyền đối với quần đảo Tây Sa, Trung Quốc là nước đầu tiên phát hiện, mở mang, khai thác và thực thi quyền tài phán trên nhóm đảo này. Cho đến thời Bắc Tống (năm 960-1126 Công nguyên), nhà nước Trung Quốc đã xác lập quyền tài phán đối với quần đảo Tây Sa từ trước, và đã đưa hải quân đến tuần tra ở vùng biển này. Năm 1909, đô đốc Li Zhun (Lý Chuẩn), Tư lệnh hải quân Quảng Đông thời nhà Thanh, còn dẫn đầu một đội thanh tra đến quần đảo Tây Sa và tái khẳng định chủ quyền của Trung Quốc ở đây bằng việc treo cờ và bắn súng chào trên đảo Vĩnh Hưng (Yongxing, tên quốc tế Woody Island, tức là đảo Phú Lâm – ND).

Năm 1911, chính quyền nước Cộng hòa Trung Hoa (Trung Hoa Dân Quốc) ra quyết định đặt quần đảo Tây Sa và vùng biển lân cận vào dưới quyền tài phán của huyện Ya thuộc đảo Hải Nam.
Trong suốt thời gian Thế chiến II, Nhật Bản chiếm hữu quần đảo Tây Sa. Sau Thế chiến, theo một loạt văn kiện quốc tế, chính quyền Trung Quốc đã cử các quan chức cao cấp đến quần đảo Tây Sa này trên tàu quân sự, vào tháng 11/1946, để cử hành nghi thức tiếp nhận đảo, và một bia đá đã được dựng ở đây để kỷ niệm ngày Nhật trao trả đảo cho Trung Quốc.

Sau ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1949, quyền tài phán của Trung Quốc vẫn tiếp tục. Năm 1959, chính quyền Trung Quốc thành lập Cơ quan Quản lý các quần đảo Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa (tức là Hoàng Sa, bãi Macclesfield, và Trường Sa – ND).

Công hàm Phạm Văn Đồng
Trong các quan điểm về sự cố giàn khoan mới đây, một lần nữa, công hàm năm 1958 của cựu thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng gửi cựu thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai lại được đưa ra. Trong công hàm, Thủ tướng Đồng tuyên bố rằng “Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ra ngày 4 tháng 9 năm 1958, của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, quyết định về lãnh hải của Trung Quốc” và “Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy”.

“Quyết định ấy” là nói đến tuyên bố của Trung Quốc, ra ngày 4/9/1958. Trong tuyên bố này, Trung Quốc thông báo “bề rộng của lãnh hải của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sẽ là 12 hải lý” và “điều này áp dụng cho toàn lãnh thổ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, bao gồm… quần đảo Tây Sa”.

Có thể hiểu được là, các đại diện của phía Việt Nam đã cố gắng làm giảm tầm quan trọng của công hàm Phạm Văn Đông và muốn đưa ra một lời giải thích khác về việc tại sao công hàm này không làm lung lay yêu sách chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Tây Sa. Tuy nhiên, có một sự thực là trong một cuộc gặp vào năm 1977, chính ông Phạm Văn Đồng đã giải thích cho một người khi đó là Phó Thủ tướng Trung Quốc, ông Lý Tiên Niệm (Li Xiannian); và cái sự thực này quả thật đã làm suy yếu những lập luận hiện nay của Việt Nam nhằm đánh lạc hướng nội dung của công hàm Phạm Văn Đồng. Ấy là bởi vì trong cuộc gặp, ông Đồng có nói: “Nên hiểu các tuyên bố của chúng ta, kể cả tuyên bố trong công hàm của tôi gửi Thủ tướng Chu Ân Lai, như thế nào? Nên hiểu nó trong bối cảnh lịch sử của thời đại”, và “trong cuộc kháng chiến, tất nhiên chúng tôi phải đặt việc chiến đấu chống đế quốc Mỹ lên trên tất cả mọi thứ khác”.

Rõ ràng là ông Đồng đã công nhận mục đích của tuyên bố của ông về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng lại đòi Trung Quốc hiểu nó trong bối cảnh lịch sử. Lập luận này đi ngược với nguyên tắc quốc tế “estoppels”, theo đó: Trong một tranh chấp cụ thể, tại một thời điểm nào đó, nếu một bên có thỏa thuận/ nhất trí ngầm, hoặc công nhận chủ quyền của một bên khác đối với một vùng lãnh thổ đang tranh chấp, thì sự công nhận hoặc nhất trí đó có hiệu lực pháp lý.

Kết quả là, bên nào đã nhất trí hoặc đã công nhận chủ quyền đang tranh cãi, thì sẽ không thể bác bỏ chủ quyền của bên kia đối với vùng lãnh thổ đang tranh cãi, và phải tôn trọng quyền của bên kia. Ngoài ra, việc Phạm Văn Đồng là thủ tướng của nước Việt Nam thống nhất từ ngày thống nhất cho đến tận năm 1986 cũng là một thực tế làm suy yếu lập luận của Việt Nam trong vấn đề chủ quyền này.

Một lưu ý tích cực
Trong một bài bình luận gần đây trên RSIS, nhan đề “Hoàng Sa 40 năm qua”, tác giả – học giả Việt Nam, TS. Nguyễn Thị Lan Anh – có đề cập đến một trường hợp phân định thành công biên giới trên biển, đó là hiệp định giữa Trung Quốc và Việt Nam về Vịnh Bắc Bộ, năm 2000. Bà Lan Anh cho rằng các nguyên tắc mà hai nước đã áp dụng trong vụ Vịnh Bắc Bộ cũng có thể được vận dụng cho vùng biển giữa bờ biển đất liền Việt Nam và quần đảo Hoàng Sa, mà trong đó có đảo Tri Tôn.

Chắc chắn là trong vụ phân định Vịnh Bắc Bộ, các nhà đàm phán của cả hai nước đã tuân thủ các nguyên tắc của luật quốc tế, bao gồm cả Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS), là tiến tới một thỏa thuận công bằng mà cả hai bên đều chấp nhận được, có tính đến những yếu tố khác nhau có liên quan. Biên giới trong Vịnh Bắc Bộ là biên giới hàng hải đầu tiên của Trung Quốc, và cũng là biên giới trên biển đầu tiên giữa Trung Quốc và Việt Nam. Điều này có ý nghĩa quan trọng cho những cuộc đàm phán trong tương lai của họ về các phần khác trên Biển Đông.

Trung Quốc thừa nhận rằng vùng biển nằm giữa quần đảo Tây Sa và và bờ biển đất liền Việt Nam hiện chưa được phân định, và cả hai nước đều có quyền đòi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, căn cứ vào UNCLOS. Tuy nhiên, Trung Quốc giữ quan điểm cho rằng vùng biển xung quanh đảo Tri Tôn không phải là vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, cho dù áp dụng nguyên tắc nào vào việc phân định biên giới trên biển đi chăng nữa. Khoảng cách và vị trí địa lý chẳng có ý nghĩa gì cả.

Đề xuất hai nước ngồi vào bàn đàm phán trực tiếp là một đề xuất tích cực và mang tính xây dựng. Trung Quốc sẽ đồng ý tham gia đàm phán trực tiếp với Việt Nam, về việc phân định ranh giới hàng hải trong khu vực nằm giữa bờ biển đất liền Việt Nam và quần đảo Tây Sa.

Nếu đạt được một giải pháp công bằng và hợp lý, thì điều đó sẽ góp phần củng cố và thắt chặt quan hệ giữa hai nước, đồng thời cũng góp phần quan trọng cho hòa bình và ổn định trên Biển Đông.

Bà Li Jianwei là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Biển, Viện Quốc gia Nghiên cứu Biển Đông của Trung Quốc. Bài này được viết riêng cho RSIS.
Nguồn: http://www.rsis.edu.sg/publications/Perspective/RSIS1182014.pdf 

Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền trên Biển Đông bằng bản đồ mới theo chiều dọc (SCMP 25/6/2014)

Nguồn:  http://www.scmp.com/news/china-insider/article/1540223/china-asserts-sovereignty-over-disputed-south-china-sea-areas-new

Người dịch: ĐLK


(Lôi Nghi Tốn, Giám đốc Nhà xuất bản tỉnh Hồ Nam, giới thiệu bản đồ Trung Quốc mới theo chiều dọc - Ảnh: Tân Hoa Xã)


Trung Quốc vừa chính thức cho xuất bản bản đồ quốc gia theo chiều dọc của họ trong đó một vùng rộng lớn trong Biển Đông được sát nhập vào để thể hiện việc xem trọng các vùng biển tương tự như đối với đất liền. Việc tung ra bản đồ này là động thái mới nhất của Bắc Kinh nhấn mạnh những yêu sách của họ đối với chủ quyền trên vùng biển đang tranh chấp.  

Những bản đồ chính thức trước đây của Trung Quốc đều được trình bày theo chiều ngang và tập trung vào vùng đất rộng lớn. Các vùng biển và đảo của họ trong Biển Đông thường được đóng trong khung nhỏ ở một góc phía dưới. 

Trong bản đồ mới được bán ra thứ Hai tuần này, các đảo và vùng biển tranh chấp trong Biển Đông được vẽ với tỷ lệ tương đương với các vùng đất trong Hoa Lục. Vùng Biển Đông được làm nổi bật trong bản đồ mới và được đánh dấu bằng đường 9 đoạn. Trung Quốc tuyên bố tất cả các đảo và vùng nước tiếp giáp nằm trong đường 9 đoạn này là một phần chủ quyền của họ. 

Cơ quan khảo sát và lập bản đồ của Trung Quốc đã duyệt bản đồ mới của Nhà xuất bản tỉnh Hồ Nam. Họ tuyên bố việc xuất bản bản đồ này là “sự kiện trọng đại trong việc bảo vệ chủ quyền đối với các vùng biển cũng như tính toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.” 

“[Bản đồ này sẽ giúp] hiệu chỉnh những quan niệm sai lầm rằng các khu vực có tầm quan trọng khác nhau cũng như tăng cường ý thức về lãnh thổ và nhận thức về biển đảo đối với cộng đồng,” Tân Hoa Xã dẫn lời Lôi Nghi Tốn, Giám đốc Nhà xuất bản tỉnh Hồ Nam.

Vùng Biển Đông rộng lớn dồi dào nguồn dầu khí và hải sản được bao bọc bởi các quốc gia Đông Nam Á. Thời gian qua, Trung Quốc đã ra yêu sách chủ quyền đối với khoảng 90% vùng biển này trong khi Philippines, Malaysia, Brunei, Việt Nam and Đài Loan cũng tuyên bố sở hữu những phần tại đây. 

Đây không phải là lần đầu tiên Bắc Kinh sử dụng các loại bản đồ để đòi quyền sở hữu đối với Biển Đông. Hộ chiếu mới nhất của Trung Quốc được phát hành từ năm 2012 có in một bản đồ nêu bật hầu hết vùng Biển Đông như là một phần của lãnh thổ Trung Quốc. Bước đi này đã làm bùng nổ những cuộc phản đối dữ dội ở các quốc gia láng giềng, đáng chú ý là Việt Nam và Philippines. 

Lý Vĩnh Long, giáo sư tại Viện nghiên cứu Nam Hải thuộc đại học Hạ Môn, Trung Quốc, nhận xét rằng Bắc Kinh dùng bản đồ mới này để kiểm tra phản ứng  từ các nước láng giềng.

“Bản đồ này được một nhà xuất bản trong nước in ấn giúp Bắc Kinh tránh được phản ứng dữ dội từ các nước láng giềng. Trong khi đó, động thái thăm dò này cũng giúp dọn đường cho chính quyền Trung Quốc chính thức hợp pháp hóa bản đồ này nếu không có quốc gia nào phản đối gay gắt”, ông Lý Vĩnh Long nói.

Theo Lý Vĩnh Long, động thái công bố bản đồ mang lại nhiều lợi ích cho chính quyền Trung Quốc.

"Về đối nội, bản đồ này sẽ giúp tăng cường nhận thức của người dân Trung Quốc về vấn đề biển đảo. Và nó sẽ trở thành một bằng chứng để tăng cường và củng cố những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.           

Ở bình diện quốc tế, bản đồ thể hiện với các nước láng giềng rằng Trung Quốc xem lãnh thổ trên biển cũng quan trọng tương tự như trên đất liền,” họ Lý nhận định.

“Điều này ngụ ý rằng Trung Quốc sẽ phản ứng lại những vụ tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông với cấp độ tương tự như họ đã làm với những người ly khai Tây Tạng hoặc Tân Cương.”

   

Thứ Sáu, 20 tháng 6, 2014

Chủ quyền của VN đối với Hoàng Sa, Trường Sa thời Pháp thuộc (VOV 25/5/2014)

http://vov.vn/bien-dao/chu-quyen-cua-viet-nam-doi-voi-hoang-sa-truong-sa-thoi-phap-thuoc-327950.vov

Chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa thời Pháp thuộc

VOV.VN -Thời cai trị của Pháp, các quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa có bị mất đi?
----------
Danh nghĩa chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa và Trường Sa được xác định rõ ràng ít nhất từ thế kỷ VXII. Tuy nhiên, trong thời kỳ Việt Nam là thuộc địa của Pháp thì một vấn đề được đặt ra là: các quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa có bị mất đi, cho phép nảy sinh một danh nghĩa có lợi cho một quốc gia khác, chẳng hạn như Trung Quốc?

Chúng ta cùng tìm hiểu vấn đề này qua việc phân tích chính sách của Trung Quốc và thái độ của nước Pháp trong thời kỳ này.


Từ năm 1884 đến năm 1909, không có bằng chứng nào chứng tỏ sự quan tâm của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa.


Chỉ có một sự kiện duy nhất được các nhà biên niên sử ghi lại. Nội dung này khẳng định rõ, Trung Quốc đồng ý với sự chiếm hữu của nước khác.
Ông Hoàng Việt, giảng viên Trường Đại học Luật TP.HCM
Ông Hoàng Việt:
Ông Hoàng Việt, giảng viên Trường Đại học luật TP.HCM thuật lại câu chuyện do P.A Lapicque ghi lại như sau: “Năm 1895, 1896, các tàu chở đồng của phương Tây  (tàu Bellona của Đức) đi ngang qua vùng biển Hoàng Sa bị mắc cạn ở đó, rồi bị chìm. Ngư dân Trung Quốc ùa ra “hôi” đồng. Tàu này mua bảo hiểm của một hãng của Anh quốc. Hãng bảo hiểm đó đã đòi tiền bồi thường của chính quyền Quảng Đông vì không đảm bảo được an ninh hàng hải. Chính quyền Quảng Đông (Trung Quốc) đã trả lời rằng, lãnh hải đó không phải của họ và họ không chịu trách nhiệm.”
Nội dung câu chuyện này còn được lưu lại trong một văn thư của Phủ Toàn quyền Đông Dương (Vụ Giám đốc các công việc chính trị và bản xứ) ngày 6.5.1921.

Rõ ràng, các nhà chức trách địa phương, người nắm rõ nhất tình hình thực tế, đã phủ nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với các quần đảo này.

Tuy nhiên, kể từ năm 1909, Trung Quốc bắt đầu thay đổi thái độ của mình đối với quần đảo Hoàng Sa. Trong năm này, Trung Quốc nói rằng đã phái một đoàn đi “thị sát” các đảo Hoàng Sa. Theo đó, đô đốc Quảng Đông Lý Chuẩn theo lệnh của Tổng đốc Lưỡng Quảng Trương Nhân Tuấn đưa 170 lính thuỷ đổ bộ chớp nhoáng lên đó và gọi đó là thực hiện “quyền cai quản” của mình. Tuy nhiên, đây là hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam vì lúc đó quần đảo này đã thuộc Việt Nam, tuyệt đối không thể coi là việc thực hiện "chủ quyền" của Trung Quốc.

Ngày 30 tháng 3 năm 1921, Thống đốc dân sự Quảng Đông quyết định sáp nhập các đảo Hoàng Sa vào Nhai huyện (Hải Nam). Về sự kiện này, công sứ Pháp ở Trung Quốc không đưa ra lời phản đối chính thức nào vì cho rằng, hành động này được đưa ra bởi một chính phủ không được cả chính phủ trung ương Trung Quốc lẫn các nước khác thừa nhận…

Bà Monique Chemillier Gendreau

Theo bà Monique Chemillier Gendreau, nguyên Chủ tịch Hội luật gia dân chủ Pháp, nguyên Chủ tịch Hội luật gia châu Âu, chính các hành vi của Trung Quốc trong năm 1895 (từ chối trách nhiệm về các vụ đắm tàu ở Hoàng Sa, khẳng định các đảo đó không thuộc Trung Quốc), rồi đến năm 1909 (đổ bộ chớp nhoáng lên một vài đảo trong quần đảo Hoàng Sa, qua đó, khẳng định chủ quyền của Trung Quốc) đã làm suy yếu tất cả những lời khẳng định khác về việc chiếm đóng của nước này từ hàng thế kỷ xa xưa. Những hành vi trong năm 1909, dù có bổ sung thêm việc sáp nhập về hành chính nhưng không đủ cấu thành một sự chiếm hữu lâu dài, thật sự, hòa bình và liên tục. Như vậy, Trung Quốc không hội đủ các điều kiện để tạo ra một tình thế cho phép họ phủ nhận các quyền đã có từ trước của Việt Nam.

Tháng 8/1945, theo Quyết định Postdam giữa Liên Xô, Anh và Mỹ, Trung Hoa Dân quốc được giao tiếp nhận việc giải giáp quân Nhật từ vĩ tuyến 16trở lên. Vì lý do này, Tưởng Giới Thạch đã chiếm đóng Hoàng Sa vào năm 1946. Và cũng làm như vậy với quần đảo Trường Sa mặc dù không được đồng minh ủy quyền. Dựa vào sự có mặt này, năm 1947, Bộ Nội vụ của Chính phủ Trung Quốc thời kỳ đó đã phát hành một tập bàn đồ trong đó thể hiện Trung Quốc bao gồm cả các quần đảo này. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là nước này đã có các quyền “lịch sử” trên các đảo này. Việc chiếm đóng này là bất hợp pháp, vi phạm nghiêm trọng luật quốc tế. Tuyên bố Cairo và Quyết định Potsdam chỉ cho phép Trung Quốc giải giáp quân đội Nhật ở quần đảo Hoàng Sa, chứ không có nghĩa là thu hồi quần đảo này. Còn với Trường Sa, việc giải giáp không thuộc thẩm quyền của người Trung Quốc.

Tiến sĩ Sử học Nguyễn Nhã:
Hơn nữa, theo Tiến sĩ Sử học Nguyễn Nhã, trong giai đoạn 1884-1956, Chính phủ Pháp ở Đông Dương đã liên tục thực thi chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa: “Pháp nhân danh Việt Nam với quyền là Nhà nước bảo hộ thì đã có chủ trương rất rõ là không từ bỏ chủ quyền của An Nam ở hai quần đảo. Người Pháp đã tích cực thực hiện, thực thi chủ quyền một cách rất cụ thể.”
Hiệp ước Giáp Thân (1884) là Hiệp ước được Triều đình Huế kí với nước Pháp công nhận sự bảo hộ của Pháp. Kể từ đây, Pháp thay mặt Việt Nam trong những quan hệ ngoại giao với nước ngoài, bên cạnh việc đảm bảo chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam, trong đó có việc tiếp tục thực thi chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Ngay từ năm 1898, Bộ Thuộc địa và Phủ Toàn quyền Đông Dương đã đề cập đến chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa. Công văn của Vụ Châu Á-Châu Đại dương của Bộ Ngoại giao Pháp có đoạn viết: “…nhằm ngăn cản một cường quốc khác đứng trên các đảo đó (Hoàng Sa), có lẽ có lợi ích là nên xây dựng một hải đăng trong quần đảo này để khẳng định chủ quyền của chúng ta…”

Khi trả lời Công ty phốt phát Bắc Kỳ về việc muốn khai thác quần đảo Hoàng Sa, ngày 17 tháng 12 năm 1928, Toàn quyền Đông Dương viết cho Bộ trưởng thuộc địa: “chứng hoang tưởng tự cao, tự đại cứ tăng lên mãi của chủ nghĩa quốc gia Trung Quốc” và đã tuyên bố rõ ràng: “vậy đã đến lúc chúng ta phải tiến lên trước và khẳng định các quyền dường như đã được công nhận bởi cả các tư liệu lịch sử lẫn các thực tế địa lý”.

Tiến sĩ Sử học Nguyễn Nhã:
Theo Tiến sĩ Sử học Nguyễn Nhã, để có chỗ dựa vững chắc cho lập trường này của Pháp, ông Toàn quyền đã yêu cầu Khâm sứ Trung Kỳ cung cấp tất cả các tài liệu của hồ sơ: “Chính quyền Pháp đã yêu cầu Khâm sứ ở Trung Kỳ tìm hiểu rõ vấn đề chủ quyền của An Nam ở Hoàng Sa. Qua các tài liệu thì thấy rõ những hành xử chủ quyền từ thời Chúa Nguyễn và nhà Nguyễn. Ông Thân Trọng Huề, Thượng thư Bộ Binh vào ngày 3.3.1925 cũng đã tuyên bố chủ quyền của An Nam đối với Hoàng Sa là không có gì phải tranh cãi.”
Tháng 11 năm 1929, Thượng nghị sĩ De Monzei viết thư cho Bộ trưởng Thuộc địa rằng: “các quyền của nước An Nam, và do đó của nước Pháp, đối với quần đảo Hoàng Sa dường như không thể tranh cãi từ thế kỷ XVII và các đảo này là một địa điểm tốt nhất cho việc đặt một trạm vô tuyến điện để báo trước các trận bão.”

Bức thư của Toàn quyền Pasquier, ngày 18/10/1930 khẳng định rõ ràng hơn nữa chủ quyền của Pháp đối với quần đảo này. Bức thư chỉ rõ, Pháp có đầy đủ hồ sơ chứng tỏ rằng các quyền không thể tranh cãi của Việt Nam. Trong khi đó, Trung Quốc chỉ thể hiện sự quan tâm của họ từ năm 1909.
Cần nói thêm rằng, lập trường của Pháp khi đó là “sự thực hiện các quyền chủ quyền đã tồn tại từ trước”. Nói cách khác, người Pháp nhận lấy pháp quyền và trách nhiệm giao nhượng cho họ từ người Việt Nam bị bảo hộ, tiếp tục bảo đảm quyền hạn pháp lý thay mặt cho người Việt Nam.

Pháp đã khẳng định các quyền của mình bằng các Nghị định của Toàn quyền Đông Dương ngày, 15/6/1938, quy định việc thành lập một đại lý hành chính ở quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Thừa Thiên và Nghị định ký ngày 5.5.1939 thành lập hai đại lý hành chính “Cụm Lưỡi Liềm và các đảo phụ cận” và “Cụm An Vĩnh và các đảo phụ cận”.

Những nội dung vừa phân tích chỉ liên quan đến quần đảo Hoàng Sa.

Trường hợp quần đảo Trường Sa đơn giản hơn vì không có bất cứ một yêu sách nào của Trung Quốc trong suốt thời kỳ thuộc địa.

Ngày 23 tháng 9 năm 1930, Pháp thông báo cho các nước thứ ba biết việc nước này chiếm hữu quần đảo Trường Sa. Tháng 4 năm 1933, việc chiếm hữu 6 đảo nhỏ đã được tổ chức trang trọng bằng “Công bố quyền thủ đắc chiếm cứ các đảo do các đơn vị hải quân Pháp thực hiện”. Đáp lại sự khẳng định chủ quyền đó, Trung Quốc im lặng. Cùng năm này, Thống đốc Nam Kỳ là M. Krautheimer đã ký một Nghị định sáp nhập quần đảo Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa…

Tuy nhiên, có một vấn đề pháp lý được đặt ra: Trong thời kỳ Pháp thuộc, chủ quyền rõ ràng của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa liệu có bị mất đi vì không thực thi không?

Giáo sư công pháp và khoa học chính trị Monique Chemillier Gendreau, nguyên Chủ tịch Hội luật gia châu cho rằng: Không! Vì các đảo này không bị bỏ và do đó không trở thành vô chủ. Trong lịch sử, Việt Nam chưa bao giờ tuyên bố từ bỏ việc sở hữu và quản lý các quần đảo này. Sau đó, Pháp thay mặt Việt Nam tiếp tục thực thi chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Quốc gia này cũng chưa từng tuyên bố bỏ các đảo, để có thể tạo ra một quyền cho bên thứ ba. Điều này có nghĩa là chủ quyền đã có từ xa xưa của Việt Nam vẫn luôn được duy trì.


Giáo sư Monique Chemillier Gendreau:
Giáo sư Monique Chemillier Gendreau nói: “Xét về luật pháp quốc tế, khi một chứng thực lịch sử đã có và giờ đặt câu hỏi liệu nó có bị mất đi trong quá trình lịch sử hay không? Với Việt Nam, có thể khẳng định là không! Việt nam không bị mất chứng thực chủ quyền vì chưa bao giờ thời An Nam tuyên bố không sở hữu và quản lý các quần đảo. Mặt khác, Pháp, ở thời kỳ thuộc địa, vẫn duy trì cả sự có mặt lẫn yêu sách của mình cho đến khi rút khỏi Việt Nam, để lại cho Việt Nam nhiệm vụ thay thế, góp phần duy trì danh nghĩa chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở cuối thời kỳ thuộc địa.”
Đáng chú ý, trong các tuyên bố hay các thỏa thuận đa phương, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa chưa bao giờ được xem là của Trung Quốc. Nói cách khác, cộng đồng quốc tế chưa bao giờ công nhận hai quần đảo này thuộc Trung Quốc!


Ngay trước khi kết thúc chiến tranh, qua Tuyên bố Cairo năm 1943, nguyên thủ của các chính phủ Mỹ, Trung Quốc và Anh “thông báo rằng, họ trù định giành lại của Nhật Bản tất cả các đảo ở Thái Bình Dương đã bị nước này cưỡng đoạt hay chiếm đóng từ khi khởi sự Chiến tranh thế giới thứ nhất và trả lại Trung Hoa dân quốc tất cả các lãnh thổ đã bị Nhật cướp của Trung Hoa, như là Mãn Châu, Đài Loan và Bành Hồ và trục xuất Nhật Bản khỏi tất cả các lãnh thổ khác mà Nhật đã chiếm được bằng vũ lực.”


Tất nhiên, các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa không phải là các lãnh thổ của Trung Quốc bị “cướp đoạt”. Nếu hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thực sự thuộc chủ quyền của Trung Quốc thì không có lý gì nước này lại chỉ đòi hoàn trả có Mãn Châu, Đài Loan và Bành Hồ mà không đòi luôn cả Hoàng Sa, Trường Sa!


Trung Quốc là một bên tham gia bản tuyên cáo này nên việc không nói tới các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trong phần này của Tuyên bố Cairo năm 1943 thật đặc biệt. Nó không phải là kết quả của một sự tình cờ. Không có một bảo lưu cũng như một tuyên bố riêng rẽ nào của Trung Quốc về vấn đề lãnh thổ này. Trung Quốc đã buộc phải im lặng vì biết rằng, không thể bảo vệ tham vọng không chắc chắn trước các quốc gia khác, trong đó có Pháp, quốc gia không bao giờ công nhận cho Trung Quốc các quyền đối với các đảo Hoàng Sa và Trường Sa và trong nhiều trường hợp đã đề nghị đưa tranh chấp này ra trước tòa án quốc tế.


Thêm nữa, năm 1951, Mỹ và Anh đứng ra triệu tập Hội nghị San Francisco. 51 quốc gia được mời dự. Hòa ước được ký vào ngày 8/9/1951. Theo các khoản của điều 2 của Hòa ước, Nhật Bản từ bỏ mọi quyền, danh nghĩa và yêu sách đối với một số lãnh thổ, trong đó có các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Điều này cũng có nghĩa là Nhật Bản trả lại chủ quyền hai quần đảo mà nước này chiếm đóng trong giai đoạn 1939-1945 cho Việt Nam. Chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa tất yếu thuộc về Việt Nam.


Có một sự kiện đáng chú ý liên quan đến hai quần đảo này là, theo yêu cầu của ông Gromyko (đại diện của Liên Xô), trong phiên họp toàn thể trong ngày 5/9/1951, Nhật Bản phải thừa nhận chủ quyền của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đối với một loạt lãnh thổ, trong đó có các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhưng đề xuất này đã bị 46 nước trong tổng số 51 nước có mặt ngày hôm đó bác bỏ.


Ông Đinh Kim Phúc:
Ông Đinh Kim Phúc, giảng viên khoa Đông Nam Á, Đại học Mở TP.HCM cho biết: “Chính Thủ tướng của Chính phủ Bảo Đại Trần Văn Hữu  lúc bấy giờ cũng đã trịnh trọng tuyên bố trước Hội nghị ở San Francisco rằng, để xóa tan những nghi ngờ, những mầm mống xung đột về sau thì Việt Nam tuyên bố Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam như nó đã vốn có từ trước. Lời tuyên bố đó đã được ghi vào biên bản của hội nghị.” 
 Điều này được coi như là sự chấp nhận toàn vẹn chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Bản tuyên bố này xác nhận chủ quyền đã hiện hữu, vì vậy, nó có tác dụng đối với tất cả, ngay cả đối với những quốc gia không có mặt tại hội nghị (Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa, Trung Hoa Dân Quốc).

Đặc biệt, ngày 28/4/1952, khi đến lượt mình ký một hòa ước với Nhật, Trung Hoa Dân quốc đã ghi nhận việc từ bỏ mọi quyền của Nhật đối với các đảo nhưng không đưa vào Hiệp ước này bất kỳ yêu sách nào đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nếu như khung cảnh của San Francisco ít thuận tiện để yêu sách của họ đạt được kết quả thì một cuộc đàm phán song phương là rất thuận lợi. Thế nhưng văn bản chỉ đề cập tới sự từ bỏ của Nhật mà không đưa ra sự công nhận nào từ phía Nhật rằng các đảo này thuộc Trung Quốc.

Tuy nhiên, về phần mình, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, qua phát ngôn của Bộ trưởng Ngoại giao Chu Ân Lai, ngày 15/8/1951 rằng, “các đảo Tây Sa và các đảo Nam Sa bao giờ cũng là lãnh thổ Trung Quốc”.  Nhưng cần khẳng định ngay rằng, yêu sách này không phải là sự khẳng định một danh nghĩa lặp lại của thời kỳ trước cũng không phải như một quyền được rút ra từ việc quản lý thực sự.
Trong thời kỳ này, các đại diện của nước Việt Nam chưa thể phát biểu với tư cách như một quốc gia. 

Tuy nhiên, mỗi khi phát biểu, dù vào năm 1925 (nguyên Binh bộ Thượng thư của nhà vua), hay vào năm 1949 (Đổng lý Văn phòng của Bảo Đại) hoặc vào năm 1951 (tại San Francisco), nội dung là giống nhau: Các quần đảo đã thuộc Việt Nam từ lâu đời. Các quần đảo phải tiếp tục là của Việt Nam.
Ý chí đó kết hợp với việc Pháp liên tục thực thi chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã góp phần duy trì danh nghĩa chủ quyền rõ ràng của Việt Nam.

Vì vậy, việc còn lại là xem xét số phận của các quần đảo này ở thời kỳ sau giai đoạn thuộc địa. Mời quý thỉnh giả quan tâm theo dõi nội dung này trong chương trình ngày mai./.
Bà Monique Chemillier Gendreau
Bà Monique Chemillier Gendreau
Lê Phúc-Lê Bình-Thùy Vân-Thu Lan/VOV