Tháng 5.2006, tôi có dịp sang chơi Trung Quốc, ở một thị trấn nhỏ - thị trấn Hà Khẩu, đối diện với TP.Lào Cai của Việt Nam qua sông Nậm Thi. Tôi ghé thăm một hiệu sách nhỏ để tìm sách về lịch sử hay văn hóa của Trung Quốc mà tôi muốn xem nguyên bản. 

Tuy không có cuốn nào vừa ý, nhưng bù lại, ở đó có bán bản đồ Trung Quốc mà tôi cũng háo hức muốn có để làm đồ dùng trực quan cho các bài giảng liên quan tới lịch sử và văn hóa Trung Quốc. Không ngờ, cô nhân viên bán hàng hỏi tôi: “Anh là người Việt Nam?” Tôi trả lời: “Đúng”. Lập tức, cô này nói luôn: “Không bán cho người Việt Nam!”. Tôi hỏi lại: “Tại sao?”. “Không bán là không bán. Không giải thích” - cô nhân viên bán hàng trả lời dứt khoát.

Tôi ra ngoài, tìm cô hướng dẫn viên (người Việt), kể lại chuyện vừa xảy ra. Cô hướng dẫn viên bảo: “Không sao, em sẽ nhờ bác lái xe mua hộ thầy”. Người lái xe vui vẻ nhận lời và độ chừng năm, bảy phút sau trở lại cùng tấm bản đồ. Ông đưa cho tôi tấm bản đồ với vẻ mặt hết sức căng thẳng và dặn kỹ: “Không được nói với ai là tôi mua tấm bản đồ này hộ anh”. Tôi cám ơn và hứa. Đương nhiên là tôi rất vui vì có được tấm bản đồ ưng ý. 

Đây là loại bản đồ giao thông của Trung Quốc. Nơi xuất bản: Nhà xuất bản Thành Đô. Chịu trách nhiệm biên tập là Trương Quốc Dũng. Ngày ấn hành hàng loạt: 20.3.2004. Số lượng bản in (ấn số): 245001 - 255000, giá bán 8 nguyên (tương đương 16.000 đồng) vào thời điểm đó (ảnh). Đây cũng chỉ là một loại bản đồ thông thường như bao tấm bản đồ khác, chỉ khó hiểu là vì sao họ kiên quyết không bán cho người Việt Nam?.

Tôi tiếp tục xem kỹ hơn các chi tiết trong bản đồ và đã tìm ra câu trả lời: Đó chính là phần phụ lục Nam Hải chư đảo (“các đảo ở Nam Hải” - tức biển Đông của Việt Nam) ở góc phải phía dưới bản đồ với “hình lưỡi bò 9 đoạn”, nhưng điều quan trọng hơn là phần chú thích bản đồ (đồ lệ) giải thích ký hiệu của 9 đoạn đó là: Vị định quốc giới - nghĩa là vùng lãnh địa chưa xác định thuộc quốc gia nào. 

Và như thế mọi việc đã rõ ràng, cho đến năm 2004, Trung Quốc vẫn chưa dám khẳng định với nhân dân Trung Quốc, vùng biển Đông (mà họ gọi là Nam Hải), bao gồm cả “Tây Sa quần đảo” (tức quần đảo Hoàng Sa) và “Nam Sa quần đảo” (tức quần đảo Trường Sa), kéo dài cho tới sát đảo lớn Kalimantan của Indonesia, là thuộc chủ quyền Trung Quốc. Với tôi, như vậy là đã có thêm một cứ liệu để khẳng định, chí ít là cho tới tháng 3.2004, Trung Quốc vẫn chưa dám khẳng định các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của họ.

Đó có lẽ cũng là một phần giải đáp cho thắc mắc: "Tại sao Trung Quốc kiên quyết không muốn bán cho người Việt Nam tấm bản đồ do chính họ xuất bản?".